Cổ phong mỹ đức: Đạo hiếu

29/05/2023 - Lượt xem: 3

Cổ nhân có câu: “Tìm người tài nên tìm cửa hiếu môn” (Tìm người có hiếu). Có thể thấy cốt cách của bậc hiền tài có thể chăm lo cho thiên hạ đều phải là bậc hiếu đức...

Đạo hiếu là một mỹ đức tốt đẹp trong văn hoá truyền thống. (Ảnh minh hoạ).

“Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên"...

Trong trăm đức hạnh, chữ hiếu đứng đầu. Đạo hiếu đã trở thành điều cốt lõi về đạo đức làm người từ xưa tới nay cho toàn nhân loại. Người biết hiếu thuận ắt được người đời kính trọng, trời đất bảo hộ. Từ bậc quân vương quần thần đến nhân dân trăm họ đã lưu truyền rất nhiều câu chuyện về lòng hiếu thảo, để ngày nay một lần nữa không chỉ con dân đất Việt, mà đối với thế hệ con cháu Á Đông cũng cảm thấy tự hào, từ đó soi xét bản thân, tu dưỡng đạo đức, trở thành người có ích cho xã hội.

Hiếu thuận dưỡng thành người tài nhân đức

“Khí thiêng sông núi hun đúc người tài
Mẹ hiền nhân từ sinh con đức hạnh”.

'Đại Việt Sử Ký Toàn Thư' có chép câu chuyện vua Lê Thánh Tông hiếu thảo với đức Hoàng thái hậu Ngọc Dao nổi tiếng một thời. Tấm bia ở lăng Hoàng Thái Hậu đặt tại Lam Kinh, tỉnh Thanh Hoá có ghi rằng:

Hoàng thái hậu khi sinh ra đã là người đôn hậu, cần kiệm không xa hoa, việc nữ công không lúc nào rời, việc mắm muối nơi bếp núc lại càng quan tâm. Giản dị, trang nhã mà lễ độ, kính trọng tông miếu, phụng thờ Thần linh. Đặc biệt khác với người thường, bà tuổi cao mà tóc không bạc, răng không rụng, mắt không mờ, nhan sắc không giảm sút. Bà ở đời sống nơi giàu sang nhưng hay làm việc thiện, vậy nên tuổi tác tuy cao mà tinh thần lại sáng suốt. Khi ngọc thể bất an, nằm nơi giường bệnh hơn một tháng nhưng không kêu than.

Vua Lê Thánh Tông nhờ ơn bà sinh thành, dưỡng dục mà trở thành một vị vua lỗi lạc, đức hạnh, nắm giữ triều chính khi mới 19 tuổi. Suốt thời gian Hoàng thái hậu Ngọc Dao bị ốm, vua Lê Thánh Tông cùng Hoàng thái tử ngày đêm chăm sóc, không lúc nào rời bên. Khi dâng thuốc hay đồ ăn, vua nhất định tự mình thử trước; trong thì kêu với tổ tiên, ngoài thì cầu khẩn không thiếu nơi nào. Khi bà sắp ra đi, vua kêu gào tên mình mà gọi. Hoàng thái hậu nhếch mép một chút, muốn nói lời từ giã. Từ việc mặc áo, khâm liệm, đến việc bỏ gạo vào miệng người chết vua đều tự mình làm để tỏ lòng đau xót. Khi chịu tang bà, người trong cung bỏ trang sức, mặc đồ tang, ăn cơm rau, cài trâm gỗ... không khác gì thường dân.

Tấm lòng hiếu thảo của vua Lê Thánh Tông là tấm gương sáng cho con cháu đời sau noi theo.

Một câu chuyện khác về bậc quân vương cũng hết sức tận hiếu, nghe lời mẹ, đó là tích: "Tự Đức dâng roi", (câu chuyện sau này còn được hậu thế chuyển thể thành kịch cải lương).

'Việt Nam Sử Lược' chép lại, vua Tự Đức sẵn sàng đưa roi lên cho mẹ để chịu đòn mỗi khi mắc lỗi. Lên ngôi năm 18 tuổi, trị vì đất nước 36 năm, vua Tự Đức rất coi trọng bổn phận làm con với mẹ là Hoàng thái hậu Từ Dụ. Những điều mẹ dạy, ông đều cẩn thận ghi lại vào “Từ Huấn Lục".

Vua Tự Đức đưa roi lên cho mẹ để chịu đòn khi mắc lỗi. (Ảnh: Wikipedia)

Từ Dụ Hoàng thái hậu truyện, trong bộ 'Đại Nam liệt truyện' viết: “Đức vua phụng sự mẹ chí hiếu lắm. Bà thường muốn nghe đọc sách sử, vua thuận theo ý bà. Chẳng có khi nào dám trái ngược, chừng nào mẹ hết muốn nghe, bảo thôi đọc thì vua mới thôi. Chẳng những việc đọc sách sử mà bất cứ chuyện gì, vua cũng nhất nhất nghe theo ý mẹ”. Trong Đại Nam liệt truyện có chép lại việc, vua Tự Đức một lần đi săn tại rừng Thuận Trực gặp phải lũ lụt không kịp về giỗ vua cha Thiệu Trị. Biết mình đã phải tội, về đến hoàng cung ông liền lên kiệu đến thẳng cung Diên Thọ nơi Hoàng thái hậu ở để xin chịu tội mặc dù trời đang đổ mưa. Ông dâng chiếc roi mây đặt trong mâm son, để trên ghế rồi nằm xuống chịu đòn. Đức Từ Dụ ngồi quay mặt vào màn một hồi lâu không nói lời nào, sau mới lấy tay hất chiếc roi đi. Tuy không phạt roi nhưng Hoàng thái hậu căn dặn nhà vua phải ban thưởng cho quan quân cực khổ đi hầu ngự, rồi sáng hôm sau vào hầu lạy. Lúc đó, vua Tự Đức mới đứng dậy, lạy tạ lui về.

Bà từng răn dạy vua Tự Đức: “Biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính”. Nghe lời dạy bảo của bà, Tự Đức không chỉ là vị vua hiếu thảo mà còn là một vị vua anh minh. Trong hàng ngàn những câu chuyện về đạo hiếu trên đất Việt xưa, hai câu chuyện trên đã phần nào làm tăng thêm lòng tự hào của những người con đất Việt.

Có thể nói truyền thống đạo hiếu xuyên suốt cả lịch sử văn hóa Á Đông. Trong văn hoá của dân tộc Trung Hoa xưa cũng có ghi lại tích truyện hiếu thảo của Hoa Mộc Lan:

“Tạc dạ kiến quân thiếp,
Khả hãn đại điểm binh;
Quân thư thập nhị quyển,
Quyển quyển hữu gia danh.
A gia vô đại nhi,
Mộc Lan vô trưởng huynh,
Nguyện vi thị yên mã,
Tòng thử thế gia chinh”.

(Trích Mộc Lan thi).

Tạm dịch:

“Đêm qua nhìn quân thiếp
Biết có lệnh trưng binh.
Danh sách mười hai tập,
Đều ghi tên cha mình.
Cha không con trai lớn,
Mộc Lan không có anh.
Cô quyết mua yên ngựa,
Thay bố đi tòng chinh”.

(Nam Trân dịch, có chỉnh sửa)

Có lẽ điển cố về Hoa Mộc Lan thay cha đánh giặc đến nay ai ai cũng biết. Hoa Mộc Lan là một nữ tướng tài giỏi thời Bắc Ngụy, từ nhỏ đã xinh đẹp, thông minh, được cha yêu quý, tinh thông cả văn thơ võ thuật. Năm Hoa Mộc Lan 18 tuổi, dân tộc du mục Nhu Nhiên xâm phạm biên cảnh, quân tình khẩn cấp, toàn dân Bắc Ngụy lên đường ra trận. Hoa Mộc Lan không muốn cha già cực khổ, lén chuốc rượu cha, âm thầm lên đường tòng quân. Nàng ở trong quân ngũ 12 năm, lập được nhiều chiến công. Khi trở về quê nhà, nàng lại mặc trang phục nữ nhi, trang điểm soi gương, trở lại cuộc sống bình thường chăm sóc cha già.

Nghệ sỹ múa Michelle Ren của Đoàn Nghệ thuật Thần Vận có trụ sở tại New York đã diễn lại vở Hoa Mộc Lan thay cha ra trận một cách đầy xúc động. Cô đã từng nói: “Vai diễn Hoa Mộc Lan để lại ấn tượng sâu nhất trong tôi. Nhiều lúc nghĩ rằng, cô nàng nhỏ bé thời bấy giờ có thể một mình thay cha lên chiến trận, làm trọn hiếu đạo với cha. Thật quá tài giỏi! Kỳ thực đó là một đức tính tốt đẹp, luôn nghĩ cho người khác trước, Mộc Lan không chỉ hiếu đạo vì người thân, lại có được dũng khí lớn như vậy.”

Hoa Mộc Lan làm tròn chữ hiếu thay cha đánh giặc. (Ảnh: Wikipedia)

Hiếu thuận cảm động trời xanh, đắc phúc báo tránh tai ương

Từ Nhất Bằng hiếu thuận làm cảm động hổ dữ

Từ Nhất Bằng, người huyện Ngân tỉnh Chiết Giang rất hiếu thuận với cha mẹ, gia đình vốn nghèo khó, đành ra ngoài kiếm sống, ông dạy học tại một thôn làng cạnh bờ biển. Một đêm ông nằm mơ thấy một giấc mơ rất kỳ lạ, sau khi tỉnh dậy, ông nói với chủ: “E rằng cha ta ở nhà mắc bệnh nặng, ta phải nhanh chóng trở về nhà thăm cha.” Trên đường về nhà, đi qua một quả núi, không may gặp hổ. Nhưng ông không hề hoảng sợ mà bình tĩnh van xin chú hổ: “Tôi sợ cha bị bệnh mới gấp gáp quay về thăm cha, mong lão hổ thương xót cha con chúng tôi mà đừng cản đường tôi về!” Thật kỳ lạ, chú hổ đó dường như rất cảm động, liền quay đầu bỏ đi.

Cha ông vốn dĩ bệnh nặng hôn mê không tỉnh, nhưng khi con trai về tới nhà, đột nhiên bừng tỉnh, quay lại nói với Từ Nhất Bằng: “Con trai yêu quý của ta, trên đường về nhà có phải con đã gặp hổ không? Khi nãy ta vừa bị giải đến Minh Phủ, nghe thấy một người mặc áo lụa đỏ nói mới biết vốn dĩ ta đã hết thọ mệnh, nhưng cảm động vì con trai có tâm hiếu thuận thuần khiết khiến hổ cũng rút lui mà tha cho. Quan tại Minh Phủ đã đặc biệt kéo dài thêm chục năm thọ mệnh cho ta. Để cho cha con ta hưởng thụ niềm vui gia đình.”

Sau đó, quả nhiên bệnh của cha ông đã được chữa khỏi, sống thêm mười hai năm nữa mới qua đời.
(Theo: Đức dục cổ giám)

Con dâu hiếu thuận chăm sóc mẹ ốm, tránh được nạn hoả hoạn

Vào năm vua Càn Long triều Thanh, tại đường Trúc Gia ở Bắc Kinh xảy ra vụ hỏa hoạn, thiêu rụi hơn trăm nhà, số người chết hơn nghìn người đếm không xuể, khắp nơi là tiếng kêu khóc, tình cảnh thật thảm thương khốn khổ, tài sản mất hết nhiều không thể tính. Nhưng trong vụ đại hoả hoạn ấy phát hiện ra một kỳ tích khó tả, chính là ngay trong đống đổ nát đó lại có một căn nhà bị vỡ đứng trơ trọc không bị lửa thiêu cháy. Ai ở trong ngôi nhà may mắn đó? tại sao chỉ có duy nhất ngôi nhà đó không bị thiêu rụi?

Theo lời người địa phương kể: trong ngôi nhà đó chỉ có một bà cụ đã hơn 60 tuổi cùng con dâu góa phụ hơn 20 tuổi ở cùng nhau. Vì con trai của bà chết sớm vài năm trước đó, nên nhiều người làng lân cận đã đến mai mối cho cô, khuyên người con dâu tái giá. Nhưng người góa phụ này từ chối, nói vì mẹ chồng bệnh lâu không khỏi, chỉ nằm trên giường, cần cô ngày đêm chăm sóc thuốc thang, bởi thế cô nguyện ý thanh xuân cô độc, kiên quyết không muốn tái giá. Năm này qua năm khác, cô tận tâm nhẫn nại chăm sóc mẹ chồng không lời than phiền. Trong đợt đại hoả hoạn này, khi ngọn lửa hừng hực cháy tới những căn nhà gần họ, đột nhiên gió chuyển hướng thổi, vì vậy lửa không chạm tới nhà của cô và người mẹ. Những người ở đó cho rằng đều là vì người con dâu hiếu thuận chăm sóc mẹ bệnh mà cảm động Bồ Tát, vì vậy Bồ Tát đã bảo hộ hai mẹ con họ không bị lửa thiêu cháy.
(Trích từ: 'Loan dương tiêu hạ lục').

Hai câu chuyện trên đã cho ta thấy được lòng hiếu thảo cảm động trời xanh mà từ đó đắc phúc báo, không chỉ nơi tự thân, mà gia quyến cũng được hưởng lợi. Người xưa có câu “con cái là cái nợ", chữ “Hiếu” kỳ thực là sợi dây ràng buộc nơi con người. Quá trình cha mẹ nuôi dưỡng con cái rất vất vả chính là để trả nghiệp, cha mẹ vì con mà hao tâm cả cuộc đời. Con cái sau khi trưởng thành theo lẽ tự nhiên lại báo đáp ơn phụ dưỡng của cha mẹ, vậy là vô hình chung ân oán trước đây đã được trả xong, gia đình luôn hạnh phúc ấm no, đây quả là sự an bài kỳ diệu.

Nguồn: NTD