Hàng giả luôn có thị trường nhất định, bởi vì một số người tham rẻ dù biết chất lượng có thể không đảm bảo, cũng chỉ có thể nói đây là: “Khương Thái Công điếu ngư”, tự nguyện mắc câu mà thôi.
Tây Bá Hầu gặp Khương Tử Nha bên sông Bàn Khê. (Ảnh: Wikipedia)
Cuối triều Thương, Trụ Vương sủng ái Đát Kỷ, không tin nghe can gián của trung thần, tàn bạo bất nhân, lạm sát bách tính, bỏ bê triều chính.
Khương Tử Nha tinh thông binh pháp và bói quẻ âm dương, nên rất được Trụ Vương trọng dụng, phong cho ông làm Tư hộ tham quân. Về sau Khương Tử Nha biết được những việc mà Trụ Vương làm nên quyết định từ quan, rời bỏ tên bạo quân này. Cũng dựa vào sự cơ trí của bản thân mà ông mới thoát khỏi sự đuổi giết của Trụ Vương sau đó.
Khương Tử Nha đi về hướng Nam, dọc đường nghe thấy rất nhiều bá tánh đều nói Tây Bá Hầu (tức Chu Văn Vương sau này) đang chiêu mộ hiền tài. Người này được ca tụng là người có nhân đức, biết yêu thương che chở bách tính. Vì thế ông quyết định đến ẩn tích tại quản hạt của Tây Bá Hầu ở Vị Hà, làm một người câu cá ở ven sông Vị Thuỷ, chờ cơ hội gặp được minh quân. Vì để có cơ hội được phò tá vị quân chủ hiền tài mà Khương Tử Nha ngày ngày nhẫn nại ngồi bên sông Bàn Khê câu cá. Ông dùng móc câu thẳng tắp và không có mồi câu, lại không thả móc câu chìm xuống nước mà để cách mặt nước chừng ba thước. Khương Tử Nha còn vừa câu vừa lẩm bẩm: “Cá nào không muốn sống nữa thì cứ tự nguyện mắc câu đi vậy!”.
Chớp mắt đã vài năm trôi qua, Khương Tử nha vẫn còn ngồi đó, than thở rằng: “Giờ ta đã là một lão già tám mươi tuổi rồi mà vẫn chưa gặp được minh quân để được phò tá ngài an bang định quốc. Ta muốn câu đây không phải là cá mà là một vị minh quân hiền đức!”. Một hôm, Khương Tử Nha đang câu cá ở sông Bàn Khê thì bắt gặp một tiều phu tên Vũ Cát, tính ra được người này sẽ gặp nạn, ông liền dùng thuật âm dương dạy Vũ Cát tránh nạn, không những lừa được Tây Bá Hầu mà còn thoát được tử kiếp. Sau đó, Tây Bá Hầu biết được chuyện này, mà Tây Bá Hầu cũng tự nhận mình là người tinh thông thuật âm dương khó ai bì kịp, nay một người câu cá có thể qua mặt được ông một cách xảo diệu như thế thì ắt hẳn là kỳ nhân. Vì vậy Tây Bá Hậu mượn cớ đi săn, phái Vũ Cát dẫn mình đi gặp Khương Tử Nha.
Ta muốn câu đây không phải là cá mà là một vị minh quân hiền đức! (Ảnh: Pexels)
Khương Tử Nha muốn thử xem có đúng Tây Bá Hầu thực sự muốn cầu hiền tài đến vậy hay không, do đó ông luôn tỏ ra không quan tâm, không ngó ngàng gì tới Tây Bá Hầu. Mà phía này, Tây Bá Hầu vì muốn bày tỏ sự kiên định của mình, hết lần này đến lần khác tới gặp Khương Tử Nha, lần tới sau so với lần tới trước còn tăng thêm phần kính trọng. Có lần Tây Bá Hầu còn ăn chay 3 ngày, tắm rửa sạch sẽ, cho xe dừng cách nơi ở của Khương Tử Nha một cây số, sau đó đi bộ tới gặp Khương Tử Nha, bày tỏ mười phần thành ý của mình.
Đến lần thứ ba, Khương Tử Nha cuối cùng cũng cảm động trước sự chân thành của Tây Bá Hầu, đồng ý cũng Tây Bá Hầu gặp mặt và trao đổi về quan điểm trị quốc. Hai người nói chuyện rất ăn ý, Khương Tử Nha biết đây chính là minh quân mà ông muốn tìm, liền quyết tâm ra sức phò tá Tây Bá Hầu hưng bang lập quốc. Còn Tây Bá Hầu cũng nhận định Khương Tử Nha đích thực là người tài năng, phong ông làm Thái Công.
Về sau, Khương Tử Nha phò tá Văn Vương và Vũ Vương, diệt trừ Thương Trụ, lập lên triều đại lâu dài nhất lịch sử Trung Quốc - triều Chu.
Thành ngữ “Thái Công điếu ngư" (Thái Công câu cá) chính là từ đây mà có, cũng có người nói là: “Khương Thái Công điếu ngư". Ý nói người mà nguyện ý thì sẽ tự mình tới cửa.
Suy ngẫm
1- Khương Tử Nha đã bao nhiêu tuổi khi gặp Tây Bá Hầu? Ông ấy câu cá có gì khác với những người câu cá khác?
2- Khương Tử Nha tại sao lại phải chọn câu cá ở sông Bàn Khê? Khi Tây Bá Hầu muốn gặp, tại sao ông lại từ chối, cho tới lần thứ ba mới đồng ý gặp?
Các câu thành ngữ cũng có chữ “ngư" khác:
- Như ngư đắc thuỷ: Như cá gặp nước.
- Duyên mộc cầu ngư: Lên cây bắt cá.
- Ngư mục hỗn châu: Vàng thau lẫn lộn (mắt cá và ngọc trai lẫn lộn)
- Trì ngư chi ương: Vạ lây cá hồ
- Lậu võng chi ngư: Con cá lọt lưới
- Trầm ngư lạc nhạn: Chim sa cá lặn
Nguồn: NTD