Truyện kể rằng…
Hồi ấy, ở kinh thành Thăng Long có một chàng thư sinh họ Phạm, dáng người mảnh dẻ, trán cao mắt sáng, khuôn mặt tuấn tú khôi ngô. Chàng Phạm vốn con nhà gia giáo, từ thời ông cố nội của chàng đã có truyền thống Nho học. Trên bức hoành phi trong gian chính điện, có đôi câu đối rằng:
“Tích ngọc tích kim, bất như độc thư giáo tử
Khoan điền khoan địa, mạc nhược khoan lượng đãi nhân”.
Nghĩa là:
Tích ngọc tích vàng, chẳng bằng đọc sách dạy con
Rộng ruộng rộng đất, chẳng bằng rộng bụng đãi người”.
Chả trách, từ nhỏ chàng Phạm đã chuyên tâm đọc sách Thánh hiền, nắm vững mọi kinh thư kim cổ. Đến năm 18 tuổi, kinh thành mở khoa thi, chàng cũng nằm trong số những nho sinh ứng thí.
Ngay trước hội thi Đình năm ấy, chàng Phạm vào chùa dâng hương. Vị sư trụ trì biết được tâm nguyện của chàng, bèn khuyên rằng: “Con là người có căn có quả, ắt vinh hoa phú quý cả đời. Nhưng trăm năm trôi qua trong nháy mắt, một đời vinh hiển cũng bằng không. Sao bằng xuất gia tu hành mà đắc được cái vinh diệu vĩnh hằng của sinh mệnh?”.
Chàng Phạm nghe vậy, vừa mừng rỡ nhưng lại vừa lo lắng. Nếu theo lời trụ trì, phải chăng chàng sẽ đỗ khoa thi, con đường phía trước rộng mở thênh thang? Vậy sao ngài lại khuyên chàng đi tu, đi tu chẳng phải buồn tẻ quá sao?
Dẫu sao, chàng vẫn chọn công danh sự nghiệp. Và quả thật, năm ấy chàng đỗ đầu, được vinh danh trên bảng vàng. Quả đúng là “giấc mơ vinh hiển thỏa lòng bấy lâu”!
Về sau, nhờ lập nhiều công lớn với triều đình, chàng được lập làm tướng quốc, rồi lại được vua tin yêu gả con gái cho. Bình Nhi công chúa là bậc sắc nước hương trời, nàng đứng bẽn lẽn bên cạnh vua cha, chỉ ngượng ngùng nhìn chàng hồi lâu rồi nói…
Choang!
“Ai da!”. Con chim oanh vàng mổ vào tay rồi lại giật giật gấu áo khiến chàng Phạm giật mình tỉnh dậy, thì ra chỉ là một giấc mơ. Lúc này mặt trời đã lên cao, ánh nắng chiếu xuống vàng rực cả một góc đồi. Rồi chàng ngơ ngác nhìn quanh, ồ, thì ra chàng vừa mới ngủ gục trên chiếc bàn đá, xung quanh là núi rừng biêng biếc, một nơi thâm sơn cùng cốc!
Chàng đưa tay lên dụi dụi mắt, lúc này chàng mới nhận ra chiếc áo mình đang mặc là của một cư sĩ… Đến lúc này chàng mới hoàn toàn dứt khỏi cơn mê để ý thức rằng mình không phải nho sinh, mà là Phạm Thiện cư sĩ, đã một mình ẩn cư trên núi Yên Tử 20 năm rồi.
Nhớ lại giấc mơ ban sáng, Phạm Thiện cư sĩ thấy lòng nặng trĩu: “Ta đã rời xa thế tục để chuyên tâm tu hành suốt 20 năm qua, vì sao lần này lại không thể vượt qua khảo nghiệm trong mơ? Chẳng lẽ, trong sâu thẳm tâm hồn, ta vẫn còn tham luyến công danh tình sắc đến thế sao!”.
Nói rồi, Phạm Thiện cư sĩ quyết chí vứt bỏ trần duyên, dành cả tâm trí cho tu luyện. Mỗi sáng sớm, ông chỉ uống một chút nước suối, ăn qua loa vài thứ quả rừng, thời gian còn lại ông đọc kinh thư và ngồi tọa thiền cho tới tận đêm khuya.
(Ảnh minh họa: Unsplash).
Sau 7 năm ròng rã khổ tu, cuối cùng cũng đến ngày chứng đắc quả vị. Phạm Thiện cư sĩ thấy thân mình nhẹ bẫng, toàn thân bay bổng. Trên trời có đám mây lành hạ xuống, như muốn đón ông trở về nơi cõi Phật.
Nhưng khi vừa bước lên mây lành, ông bỗng nghe thấy tiếng con chim oanh vàng kêu thảm thiết. Bao nhiêu năm qua, con chim bé nhỏ ấy đã giúp ông vượt qua nỗi cô đơn trống trải nơi núi rừng. Mỗi khi ông đi hái quả đồi, chim oanh lại đậu trên vai ông, khi thì hót líu lo, khi thì bay lên phía trước chỉ cho ông những trái chín vàng. Giờ đây người cư sĩ đã chứng đắc quả vị, theo mây lành bay lên chín tầng không, bỏ lại người bạn bé nhỏ không một lời từ biệt. Chim oanh vàng không đành lòng, nó cố vỗ vỗ đôi cánh yếu ớt bay theo, nhưng không thể đuổi kịp.
Lúc đầu, Phạm Thiện cư sĩ tâm trí tĩnh lặng, vô vi thanh tịnh, không để mình xao động trước tiếng gọi với theo của oanh vàng. Nhưng rồi một giờ trôi qua, hai giờ trôi qua, tiếng hót đã trở nên yếu ớt, khắc khoải, đôi cánh kia cũng mỏi mệt lắm rồi. Chim oanh không kêu được nữa, dường như cổ họng nó đang rỉ máu, nó buông xuôi đôi cánh mặc cho mình rơi xuống rừng cây bên dưới.
“Không lẽ ta chỉ viên mãn một mình ta, cứ thế mà rời đi vô tình như thế sao?”, Phạm Thiện cư sĩ thoáng nghĩ. “Chí ít ta cũng phải nói lời chào tạm biệt người bạn nhỏ này chứ!”. Nghĩ vậy, vị cư sĩ quay đầu nhìn xuống. Khi ông vừa hướng đôi mắt về phía oanh vàng, thì mây lành bỗng tan biến, chỉ vì một ánh mắt lưu luyến mà khiến 27 năm khổ luyện khổ tu cuối cùng hóa thành không. Thân thể ông không còn nhẹ bẫng bồng bềnh nữa, mà nặng nề rớt xuống…
Choang!
Chiếc chén lưu ly trên tay Phạm Thiện đồng tử rơi bịch xuống, vỡ tan thành từng mảnh nhỏ. Cả Vương Mẫu Nương Nương cùng với các chư Tiên trong Hội Bàn Đào đều quay lại xem, chỉ thấy Phạm Thiện đồng tử vừa ngơ ngác nhìn xung quanh, vừa bối rối nhặt từng mảnh vỡ.
“Đang rót rượu mừng thọ Nương Nương, sao con lại mơ màng ngủ gật để rồi làm vỡ chén lưu ly thế kia?”, Bồ Tát nói.
“Ồ, câu chuyện về chàng nho sinh, rồi lại về vị cư sĩ họ Phạm… thì ra chỉ là mơ! Sao ta lại có thể mơ ngủ ngay trong hội yến trọng đại như thế này?”, Phạm Thiện đồng tử thầm nghĩ.
Yến tiệc lại diễn ra tưng bừng như cũ, cho đến khi các chư Tiên và Đại Phật ra về. Lúc này, Bồ Tát mới gọi Phạm Thiện đồng tử đến và nói:
“Nơi Thiên quốc thanh cao này, hết thảy đều thuần tịnh tinh khiết. Nay con lại để cho những ý nghĩ vẩn vơ len lỏi làm ô uế tâm trí, lại còn mơ màng đến cõi hồng trần ô trọc, ta e rằng luật Trời sẽ không cho phép. Năm xưa Quyển Liêm đại tướng hầu cận bên Ngọc Hoàng Thượng Đế, chỉ vì sơ ý làm vỡ chén lưu ly mà bị đày xuống Lưu Sa Hà làm yêu quái. Con may mắn có phúc phận cao dày, thường được nghe Như Lai thuyết Pháp, nên không phải chịu chung số phận như Quyển Liêm đại tướng. Nhưng theo Thiên luật, con vẫn phải xuống cõi trần một phen, đến khi đủ đạo hạnh tu luyện thì mới có thể về Trời”.
Phạm Thiện đồng tử đành gạt nước mắt, hỏi Bồ Tát: “Thưa, giờ con sẽ đi đâu? Cõi trần là cõi mê, nhân gian lại hiểm ác như vậy, đâu đâu cũng là cạm bẫy của danh – lợi – tình, làm sao con có thể tỉnh táo để thoát khỏi mọi cám dỗ mà bước vào cửa tu hành?”.
Bồ Tát từ bi nhìn Phạm Thiện và nói: “Con đừng quá lo lắng, vẫn luôn có ta trông nom và bảo hộ cho con. Khi cơ duyên đến, tất sẽ có người đến điểm hóa cho con, nhắc con lựa chọn đường tu luyện”.
Bồ Tát dứt lời, Ngài vẩy cành dương liễu, tức thời một luồng sáng lóe lên, đưa nguyên thần của Phạm Thiện đồng tử xuống trần đầu thai vào một gia đình gia giáo. Trên bức hoành phi của gia đình ấy, đến giờ vẫn còn đôi câu đối làm chứng rằng:
“Tích ngọc tích kim, bất như độc thư giáo tử
Khoan điền khoan địa, mạc nhược khoan lượng đãi nhân”.
Choang!
Chàng Phạm giật mình tỉnh dậy, thì ra lại là mơ!
Nhớ lại những trải nghiệm vừa qua, chàng tự hỏi: “Rốt cuộc là ta mơ làm cư sĩ, rồi lại mơ làm đồng tử, hay là đồng tử đang mơ làm ta?”.
Mùi hương trầm phảng phất trong không gian, bầu không khí tĩnh mịch, chỉ nghe thấy những tiếng gõ mõ tụng kinh đâu đây. Chàng ngước nhìn sang, vị sư trụ trì vẫn ngồi bên cạnh, ngài mỉm cười nhìn chàng và nói: “Con thấy không, chỉ là một giấc mộng kê vàng! Con vừa mới thiếp đi chưa đầy một canh giờ… Giờ thì, con sẽ ở lại đây cùng ta tu hành, hay muốn viết tiếp giấc mộng nho sinh?”.
Chàng Phạm nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt trong veo ngời sáng, hệt như luồng sáng tỏa ra từ cành dương liễu của Bồ Tát trong mơ…
Choang!
Nhớ lại năm xưa, Trang Tử từng viết trong “Trang Chu mộng hồ điệp”, kể rằng: Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, cứ ngỡ mình là bướm chứ không phải là Chu. Đến khi tỉnh dậy, ông ngạc nhiên thấy mình là Chu chứ không phải là bướm. Trang Chu bất giác thốt lên: ‘Là Chu nằm mộng thấy hóa bướm, hay là bướm nằm mộng thấy hóa Chu?’. Câu chuyện của Trang Tử, so với câu chuyện của chàng Phạm, cũng có nhiều điểm tương đồng.
Có câu nói: “Con người sống trong mê”. Rất nhiều người chỉ cho đó là cách nói ví von hình tượng, nhưng có lẽ, trong mê có thực mà trong thực lại có mê. Biết đâu rằng, khi chúng ta coi hiện thực này là thực tại ghê lắm, thì rất có thể cái thực tại ấy lại chỉ là thực tại trong một giấc mơ? Chẳng phải ai đó trong chúng ta đã từng có những giấc mơ sống động như thực, khiến ta vui buồn, thậm chí khóc lóc hay giận dữ trong mơ? Chỉ đến khi tỉnh lại rồi, mới thấy tất cả chỉ là mơ!
Con người sống trong mê, cũng giống như con chim bị nhốt trong lồng của người tù. Là cái lồng con nhốt trong cái lồng to, và lồng to này lại bị nhốt trong cái lồng to hơn, đó là “cái lồng nhân thế”.
Dẫu sao thì, là mơ hay là thực, là thực hay là mơ, chi bằng hãy sống hết mình để không bao giờ phải nuối tiếc. Nếu đã làm tất cả những gì ta nên làm, lựa chọn những gì ta tin là chân lý, thì cho dù đó chỉ là mơ, thì khi tỉnh lại rồi vẫn thấy mãn nguyện vì “một giấc mộng đẹp trong mộng đẹp”.
Thay cho lời kết, người viết mạn phép dẫn ra đây bài thơ của một tác giả đăng trên Chánh Kiến Net:
Mộng trong mộng
Từng nghe đời người ảo như mộng
Tự phụ cười to vẫn ngả lòng
Mơ tới chân trời nơi xa tắp
Vô duyên liệu biết quay trở về?
Sớm chiều danh lợi nhân tình sự
Ngày đêm trằn trọc vinh nhục tâm
Vì điều trước mắt làm xằng bậy
Dễ gì ngộ được đây trong mê?
Lòng tham chấp dục trăm niệm động
Đắc được chân tâm bỗng chốc nhàn
Tranh tới tranh lui quên tự kỷ
Như người trong mộng tỉnh khi nào?
Cùng mơ một giấc mộng kê vàng
Tiền nhân tỉnh giấc tạ hậu nhân
Ngày nay hậu nhân cười tiền nhân
Mạt Pháp vô Pháp mộng trong mộng.
Nguồn: DKN