Kỳ thực sinh mệnh là do Trời định nhưng tích đức hành thiện có thể thay đổi được số Trời

23/11/2022 - Lượt xem: 99

Ai cũng từng nghe qua câu tục ngữ “Cứu một người bằng xây bảy tòa bảo tháp”. Trong thế giới này sinh mệnh con người là đáng quý nhất, con người là anh linh của vạn vật. Người xưa lại có câu thành ngữ cổ “Nhân mệnh quan thiên” nghĩa là: Sinh mệnh con người có liên quan tới trời.

Cuộc sống và sinh mệnh con người đều do Trời định đoạt, do vậy từ cổ tới nay sát sinh luôn là tội ác tạo nghiệp lớn nhất bao gồm cả tự sát. Việc cứu giúp tính mạng người khác chính là việc giúp bạn tích đức rất lớn. Và đức đó sẽ giúp bạn đắc phúc báo bởi “có đức sẽ giúp bạn đi khắp thiên hạ”. Câu chuyện hôm nay mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc chính là một câu chuyện đắc phúc báo nhờ cứu giúp người như vậy.

Một ngày cuối mùa đông giá rét cuối năm Uông lão tiên sinh một nhà buôn giàu có ở huyện Hữu Ninh triều đại nhà Thanh phải ra ngoại tỉnh đòi nợ. Sau khi thu nợ xong ông vội vã đáp thuyền về nhà. Đó là một ngày rét đậm của mùa đông, gió rít thét gào, tuyết rơi dày đặc.

Lão Uông nhìn thấy trên bờ có một người đang vẫy như muốn lên thuyền. Nhưng người lái thuyền lại không muốn đậu vào bờ, nhất định muốn rời đi. Nhìn thời tiết lại nhìn dáng vẻ tội nghiệp của người trên bờ, ông liền nói với người chèo thuyền: “Anh lái thuyền ơi, anh chịu khó cho thuyền vào bến chút đón người ta đi. Anh xem trời đang lạnh như vậy, người đó hình như đợi lâu lắm rồi thì phải, nếu chúng ta không đón họ không biết họ còn phải khổ cực đứng đợi trong tuyết bao lâu nữa”.

Lão Uông trên chuyến đò cứu giúp quỷ câu hồn sứ giả. (Ảnh minh họa: quangbinhonline.com)

Anh lái thuyền đồng ý ghé vào bờ đón người đó lên. Người đàn ông đó dường như đợi trong tuyết lâu lắm rồi vừa đói vừa rét tới không cử động được cứ ngồi run lên cầm cập từng hồi. Thấy vậy ông Uông cởi áo ngoài cũ kỹ của mình khoác lên người đó, lại lấy rượu đưa cho uống.

Một lát sau người khách vừa lên thuyền mới có thể cử động, nói chuyện và dập đầu cảm tạ. Ông liền hỏi người kia từ đâu tới và định đi đến đâu. Người đó trả lời: “Tôi không phải là người, tôi là quỷ câu hồn ở miếu thành hoàng”. Lão Uông hỏi ông ta đi câu hồn ai, thế là người đó lấy ra một cuốn sách trên đó viết danh sách ba mươi người bị câu hồn trong đó tên ông Uông ở vị trí đầu bảng.

Ông lão giật mình kinh ngạc hoảng sợ tới khụy đầu gối, vội vàng quỳ xuống cầu xin người kia cứu mạng. Người đó trả lời: “Đây là ý chỉ của Đông Nhạc đại đế đến cả thành hoàng cũng không cứu được. Tôi làm sao giám cả gan thay đổi vương pháp, mang pháp ra làm trò đùa chứ”.

Nghe những lời người này nói, lão Uông khóc ròng không ngừng cầu xin người kia nghĩ cách cứu mạng. Người này suy nghĩ hồi lâu rồi nói: “Thế này nhé để cảm ơn ông đã giúp tôi qua cơn đói lạnh khi nãy, tên ông tôi sẽ đổi xuống cuối cùng để giúp ông kéo dài thời gian thêm mấy ngày. Ông lão ông hãy nhanh chóng trở về thu xếp việc gia đình và chuẩn bị hậu sự đi. Vào đúng ngày mùng ba Tết tôi sẽ đợi ông ở cửa bên trái của miếu thành hoàng”. Ông Uông chỉ biết dập đầu cảm tạ.

Không lâu sau đó thuyền tới một thôn trang, người này lên bờ và cáo từ ông cùng người lái thuyền. Ông Uông bảo nhà thuyền dừng lại ở đó quan sát tình hình một chút rồi hãy rời đi. Thế là hai người im lặng ngồi quan sát.

Chỉ thấy quỷ câu hồn đi vào nhà một gia đình nọ vài phút rồi đi ra. Khi vừa đi ra thì hai người nghe thấy trong nhà kia vọng ra tiếng khóc ròng thảm thiết. Trong lòng biết rằng lời người kia nói đúng là sự thật rồi, ông vội vàng bảo anh lái thuyền nhanh chóng chèo đi đưa ông về nhà.

Khi thuyền cập bến và lên tới bờ lão Uông gặp một đôi vợ chồng nọ đang đứng trên bờ ôm nhau khóc lóc thảm thiết. Ông Uông lại gần và hỏi: “Hai con có chuyện gì mà lại đứng giữa trời mưa rét khóc lóc khổ sở vậy?”.

Người chồng trả lời: “Ông ơi, vợ chồng con khổ quá. Hôm nay là đến hạn phải nộp thuế cho quan trên, nhưng nhà con nghèo không có tiền lại mất mùa nên không biết làm cách nào cả. Vợ con bảo con đưa cô ấy ra đây xem có ai mua về làm người hầu không để bán nhưng cũng không ai thèm mua. Chúng con sợ quan phủ đến tận nhà bắt nộp thuế nên định cùng nhau tự tử”.

Ông Uông thở dài từ bi thông cảm nhìn đôi vợ chồng trẻ nọ trong lòng nghĩ thầm: “Tội nghiệp chúng quá, đằng nào mình sống cũng không được mấy ngày nữa. Tiền nhiều cũng chẳng để làm gì, chi bằng tiền mình vừa thu nợ được đây giúp chúng qua cơn khó khăn này sẽ có ý nghĩa hơn”. Nói là làm ông lão mang hết số tiền đưa cho đôi vợ chồng nọ và về nhà. Nhờ số tiền của ông đưa mà hai vợ chồng nọ có tiền nộp thuế và làm ăn sinh sống.

Ngày mùng ba Tết năm đó, đúng theo lời hẹn lão Uông đến miếu thành hoàng báo cáo. Quả nhiên một lát sau thì quỷ câu hồn tới, nó nhìn ông bằng nét mặt bi thảm và nói: “Ông lão ơi, ông làm liên lụy tới tôi rồi. Hôm ông cứu tôi, chỉ vì không nhẫn, tự sinh niệm thay đổi tên ông từ trên xuống dưới trong danh sách đã làm tôi bị liên đới. Việc ông cứu sống đôi vợ chồng đó đã làm thành hoàng gạch tên ông trong cuốn sổ cần câu hồn, và viết tấu dâng lên Đông Nhạc đại đế. Đông Nhạc đại đế có hỏi: “Người chết rồi sao lại có thể làm ra hành động đại nghĩa như vậy nên hạ lệnh cho thành hoàng đi kiểm tra lại”.

“Kết quả thành hoàng tra xét ra việc tôi tự ý tiết lộ thiên cơ lại tự ý thay đổi trình tự nên ra lệnh cho tôi đi lưu đày ở Vân Nam, còn ngược lại ông thì được tăng thêm dương thọ mười hai năm nữa, con cháu thì đều được hưởng phúc báo. Mong rằng từ nay về sau ông hãy tận tâm làm nhiều việc thiện hơn nữa, hẹn gặp ông mười hai năm sau tại đây”. Nói rồi quỷ câu hồn biến mất, còn ông Uông quả nhiên về nhà không chút ốm đau bệnh tật gì.

Sau đó hai người con trai của ông học hành thông hanh, thi đỗ trạng nguyên và làm quan trong triều đình, gia đình ông thì ngày càng giàu có. Đúng đêm mùng một Tết của mười hai năm sau ông Uông lại gặp quỷ câu hồn trong giấc mơ.

Qủy câu hồn nói với ông: “Từ sau khi ông được tăng thêm dương thọ đã luôn tích đức hành thiện, không sát sinh lại luôn thiện đãi với mọi người nên Ngọc Hoàng đã quyết định chọn ông làm thành hoàng. Hôm nay dương thọ của ông đã hết, cũng đã tới lúc ông phải lên đường nhậm chức rồi. Ông hãy chuẩn bị đi ba ngày sau tôi sẽ mang xe và cùng người hầu tới đón ông”.

Tỉnh dậy ông Uông liền gọi con cháu tới bên giường ung dung dặn dò sắp đặt con cháu chuẩn bị việc hậu sử của mình. Cắt đặt xong hết mọi việc đúng giờ hẹn, tắm gội sạch sẽ quần áo ngay ngắn chỉnh tề ngồi đợi. Bỗng nhiên có tiếng nhạc tiếng trống vọng tới, ông mỉm cười nói với con cháu: “Người đón ta đã đến rồi”, sau đó nằm xuống giường như đi ngủ, nét mặt hồng hào tươi tắn.

Qua câu chuyện trên chúng ta có thể thấy có sự cách biệt rõ ràng vô cùng lớn một trời một vực trong số mệnh của ông Uông. Lẽ ra chỉ còn sống được vài ngày vì cứu mạng người khác mà có thể tăng thêm phúc thọ. Lẽ ra sẽ phải bỏ mạng trong giá rét chết thảm trên thuyền ngược lại lại được mũ áo chỉnh tề, có trống có nhạc, có người tới đón đi.

Sinh mệnh cuộc sống của con người là do ông trời ban cho con người, trừ khi người đó bị phán tội tử hình, không có ai có quyền tước đoạt đi mạng sống của họ cả. Tuy nhiên rất nhiều người hiện đại ngày nay đã không còn biết tới khái niệm trân trọng mạng sống của bản thân cũng như của người khác. Trong xã hội mới xuất hiện nhiều hoàn cảnh như tự sát vì bị phá sản, nạo phá thai, thuê mướn giết người, giết người hại mệnh… Tất cả những việc làm những hành động đó đều sẽ gặp phải báo ứng vô cùng thảm khốc.

Rất nhiều người hiện đại ngày nay đặc biệt là người dân Trung Quốc bởi ảnh hưởng của thuyết vô Thần nên trở nên lạnh lùng lãnh cảm, nhân nào họ gieo ra sẽ phải gặt lấy quả báo đó. Không kính ngưỡng trời đất, không có tín ngưỡng đạo đức, coi thường tính mạng con người đã trở thành hiện tượng tự nhiên của con người hiện đại ngày nay.

Thuyết vô Thần đã làm cho người Trung Quốc đối việc giết người hay tự tử lãnh cảm bình thường như là chuyện của ai. Sự lãnh cảm với sinh mạng con người đã trở nên vô cùng đáng sợ. Thuyết vô thần đã và đang ăn sâu trong tiềm thức mỗi người dân. Từ sự lãnh cảm đó đã dần làm cho đạo đức xã hội trượt dốc, làm trong lòng con người không còn thiện niệm…

Con người hiện đại ngày nay chỉ bằng cách quay trở về với văn hóa truyền thống, chỉ có khôi phục lại văn hóa truyền thống, kính ngưỡng trời đất, coi trọng đạo đức xã hội, thì xã hội mới có hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn vậy.

Nguồn: Trithuc