Cha tôi mắt đỏ ngầu quát lên: “Chúng mày quá đáng nó vừa thôi, mẹ là mẹ chung, vì mỗi chuyện đó mà cũng mang ra cãi nhau à!”, rồi gục đầu không nói được nên lời… cho tới khi mẹ đứng dậy và quyết định…
Tôi lớn lên ở một vùng quê nghèo ven sông Đáy, như bao đứa trẻ khác ở những miền quê vùng Bắc Bộ. Tuổi thơ tôi gắn liền với những chiều lang thang nơi bãi ngô ven sông, gắn liền với mùi khói bếp mỗi buổi chiều hè, với những chiếc bánh tẻ quà quê của nội khi tết đến.
Thế rồi cuốn theo thời gian, những bận rộn công việc và cuộc sống, tôi lấy chồng sinh con nên ít có dịp trở lại thăm nội thăm quê. Tôi cứ mải miết bận rộn với gia đình con cái mà quên đi ở nơi làng quê nghèo ấy hằng ngày nội vẫn một mình với luống rau con gà.
Rồi một ngày nọ căn bệnh thần kinh quái ác tới gõ cửa, nội đang bình thường bỗng trở nên ngây ngây dại dại, cả ngày nói cười một mình, chửi rủa một mình và quay sang chửi tất cả mọi người. Sau đó lại thêm việc tê cứng khớp nội gần như không thể đi lại, người còng gập nên hầu như chỉ ngồi một chỗ.
Mẹ đón nội ra Hà Nội để chăm lo chữa trị, nhưng đi khắp các viện, việc chữa trị cũng không có gì chuyển biến. Nhìn nội gầy gò ngồi lủi thủi một góc nhà dù rất thương nội nhưng cả gia đình tôi cũng chỉ biết lặng lẽ chăm sóc để vơi đi phần nào điều nội phải chịu đựng.
Khi tôi sinh bé thứ hai, vì bận cháu nhỏ mẹ không thể chăm sóc nội, hơn nữa vì nội cũng đòi về. Thương nội nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng người già thường muốn trở về với nguồn cội, trở về với quê hương “lá rụng về cội” nên mẹ ngậm ngùi đưa nội về ở nhà chú hai.
Nội ngồi mong ngóng tôi về (Ảnh minh họa: HanoiiPlus)
Tôi biết nội không thoải mái khi ở đó nhưng không còn cách nào khác, nội âm thầm chịu đựng tất cả. Mẹ thì bận rộn giúp tôi chăm bé nên thỉnh thoảng mới tranh thủ ngày nghỉ về thăm và chăm sóc nội.
Căn bệnh của nội rất kỳ lạ, bình thường nếu khi thời tiết ổn định nội có thể nhận ra tất cả mọi người trong nhà và có thể nói chuyện như bình thường, nhưng cứ hễ trái gió trở trời nội đau đầu khó chịu nên hay ngồi lẩm bẩm nói chuyện một mình.
Mỗi lần mẹ về thăm nội, chắc vì thương tôi nội luôn tỉnh táo hỏi tôi dạo này làm gì, sao không cho con về với nội, tôi đi đâu mà lâu quá không thấy về?
Vì tôi bận rộn mưu sinh, rồi chăm con nhỏ dại lại cũng vì cái sự vô tâm nên tôi đã bỏ lỡ nhiều dịp về thăm nội. Tôi không cảm nhận được tình yêu thương mà nội đã dành cho tôi đằng sau mỗi câu hỏi… Đó là sự cô đơn thống khổ của người già khắc khoải mong chờ niềm vui bé bỏng.
Nội thấy mình lạc lõng ngay chính trong ngôi nhà vì những người thân yêu của nội không còn những giao tiếp gần gũi ngoài chiếc điện thoại và ti vi…
Cho đến một ngày, khi con vừa tròn hai tuổi nhân dịp nhà có việc vợ chồng tôi đưa con về thăm quê, thăm nội. Nhìn nội ngồi lủi thủi trong góc giường, người nhỏ thó móm mém bàn tay lần sờ như tìm thứ gì đó. Sống mũi tôi thấy cay cay nhìn nội gầy gò ốm yếu đi rất nhiều.
Chợt nhận ra chúng tôi về, nội sững lại cười tươi như một đứa trẻ, rồi nội móc trong túi áo 1 cái bánh bẻ làm đôi cho hai đứa chắt. Nội vừa cười vừa mủm mỉm hiền lành: “Sao đi lâu vậy con”. Tôi xót xa tự giận mình chỉ biết cúi đầu: “Con về rồi đây nội”. Nhìn ánh mắt vui như đứa trẻ được quà khi chúng tôi về, tôi chỉ mong thời gian ngừng trôi để có thể được ở bên nội thật lâu.
Sau bữa cơm chú ba tôi đòi họp gia đình về vấn đề ai nuôi nội. Trước đây là mẹ tôi nuôi, rồi sau đó chuyển cho vợ chồng chú hai ở quê. Vì gia đình chú hai cũng còn vất vả nên trước tết khi chú ba không có nhà mọi người đã họp và thống nhất cha tôi và chú ba sẽ hỗ trợ chú hai một chút về tài chính, cha tôi hai phần còn vợ chồng chú ba một phần.
Nhưng chú ba không chịu nên làm ầm lên đòi họp gia đình. Khi đó tôi đang cho con ngủ trên phòng giật mình nghe tiếng cha quát lớn: “Tại sao trước tết đã quyết định vậy rồi giờ còn đòi thay đổi”.
Chú hai lý nhí trả lời: “Chị bảo em đằng nào cũng phải thuê người trông mẹ, nhưng giờ không tìm được ai thì coi như thuê vợ chồng em, nhưng giờ em việc nhà nông trông mẹ thì không làm ăn gì được cả. Em không trông được nữa nên đề nghị từ nay quay vòng, để mẹ ở mỗi nhà mấy anh em sáu tháng”.
Chú ba thì gào lên: “Anh chị nhận được nhiều đất hương hỏa nhất khi bố chia đất thì anh chị đi mà trông bà chứ còn ý kiến gì nữa, tôi hỏi anh giờ ruộng của bà ai làm? Anh làm anh hưởng, còn kêu ca gì. Còn định ăn không ăn hỏng à”.
Tôi giật mình khi nghe những lời đó, tôi không biết các chú đang nghĩ những gì khi chuyện trông bà mà thành ra lôi kéo cả việc chia chác tài sản vào trong câu chuyện.
Họ nói nhiều nhiều và thật nhiều nữa, nhưng tôi không muốn nghe cũng không muốn để ý. Cha tôi mặc dù là anh cả nhưng vì hiền quá nên không nói gì được các em, chỉ vì mỗi chuyện ai trông bà mà chú hai và chú ba đôi co qua lại làm không khí gia đình ồn ào náo loạn.
Tim tôi như bị bóp nghẹt, tôi còn nhớ từng xem một bộ phim cũng có cảnh một gia đình có mấy anh con trai chia nhau nuôi mẹ, họ cho mẹ vào cái thúng cân mỗi khi di chuyển từ nhà người con này sang nhà người con khác.
Tôi không dám tin chuyện đó lại xảy ra trong nhà mình, không dám ngờ tôi lại chứng kiến sự thật đó đang được bày ngay trước mắt. Điều đau khổ hơn nó lại xảy đến với những người thân yêu trong gia đình tôi, xảy đến với chính cuộc đời tôi.
Cha tôi mắt đỏ ngầu chỉ biết quát lớn lên: “Chúng mày quá đáng nó vừa thôi, mẹ là mẹ chung chứ vì mỗi chuyện đó mà mang ra cãi nhau à”, rồi gục đầu không nói được điều gì.
Tôi đặt con ngủ rồi nhẹ nhàng đi xuống nhà vào phòng nội. Nội đang ngồi bó chân thu vào một góc giường, bàn tay ôm đầu gối co ro run rẩy.
Tôi không dám đối diện, chỉ liếc mắt nhìn vào khuôn mặt nội bình thản, tôi nhìn thấy ẩn sâu trong vẻ bình thản ấy một nỗi khổ câm lặng, một sự đau đớn không thể nói thành lời, sự bao dung lớn lao của người mẹ…
Nội không khóc nhưng tôi thấy người nội rung lên. Tôi ôm chặt lấy nội mà nước mắt cứ tuôn rơi. Tôi khóc vì thương nội, vì về đây tôi mới thấm thía nỗi khổ mà nội đã chịu đựng thời gian qua.
Lòng tôi trào dâng ân hận thấy mình thật ích kỷ quá vô tâm. Tôi cứ ôm nội như vậy hồi lâu rồi nói: “Nội ra nhà con nhé, ra trông chắt giúp con với”. Nội nhìn tôi và gật gật đầu.
Mẹ tôi lẳng lặng đứng lên chỉ nói với mọi người một câu: “Mẹ già hơn tám mươi tuổi rồi mà các người lại đối xử với mẹ như vậy là sao, tôi sẽ đưa mẹ đi”. Nói rồi bà quyết định cùng tôi thu dọn đồ đưa nội ra Hà Nội.
Thay lời kết:
Câu nói nước mắt chảy xuôi ngàn đời có bao giờ thấy chảy ngược, rằng câu nói tưởng như đã đúc kết: Một mẹ nuôi được mười con chứ mười con không nuôi nổi một mẹ nay đã thành hiện thực?
Có câu chuyện kể rằng thời còn bao cấp nghèo lắm bữa cơm thật đơn giản. Nuôi được con gà cũng phải canh để khỏi bị bắt trộm. Một ngày chú gà ốm và bị làm thịt. Đã rất lâu rồi gia đình ấy mới được một bữa cơm có thịt.
Trong bữa ăn người mẹ đã gắp rất nhiều miếng ngon cho những đứa con của mình, cả người cha cũng vậy. Những đứa trẻ ngây thơ vô tư hỏi sao bố mẹ không cùng ăn những miếng ngon ấy mà lại gắp hết cho chúng?
Người mẹ hiền từ nói: “Bố mẹ không thích những miếng đó, bố mẹ thích ăn những miếng này”. Nói rồi bà nhặt nhạnh những gì xương xẩu còn vương vãi ăn một cách ngon lành…
Những đứa trẻ hồn nhiên tin rằng đó là sự thật, người lớn chỉ thích ăn những gì xương xẩu. Cho đến một ngày những đứa trẻ đủ khôn để biết được điều bí mật giản dị đầy yêu thương trong đó.
Câu chuyện này đã nói lên điều gì? Ấy là sự hy sinh lớn lao của cha mẹ dành cho con cái, cha mẹ đã nhường nhịn tất cả những gì tốt đẹp nhất cho chúng ta.
Hiếu kính báo đáp công ơn dưỡng dục, chăm sóc cha mẹ già chính là đang gieo hạt giống thiện lành hành vi cho những đứa con sau này của bạn. Ít nhất khi đi đến cuối cuộc đời bạn cũng không có gì phải hối hận nuối tiếc.
Nguồn: VDH