Đạo vợ chồng vừa là môn học cao siêu vừa là cả một nghệ thuật mà vợ chồng dẫu học cả đời cũng không thể nắm vững hết được.
Bất kì ai cũng mong muốn một cuộc sống gia đình thuận hòa, hạnh phúc. Nhưng cùng với sự phát triển xã hội, tỷ lệ đổ vỡ của các gia đình ngày càng nhiều với rất nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến không ít người tỏ ra lo ngại và e dè khi về chung một mái nhà.
Những nguyên tắc cơ bản, dễ nhớ sau đây sẽ giúp chúng ta duy trì, gìn giữ, bảo vệ và xây dựng hạnh phúc gia đình.
1. Không nên cãi nhau trước mặt người ngoài
Dân gian có câu: “Bát đũa còn có lúc xô”. Trong cuộc sống hôn nhân đôi khi khó tránh khỏi những va chạm xô xát, vì vậy, một điều cần hết sức chú ý là vợ chồng không nên cãi nhau trước mặt người ngoài. Có nhiều vấn đề không thể giải quyết, nếu tranh cãi sẽ càng thêm dầu vào lửa làm sự việc phức tạp hơn. Con người ai cũng có lòng tự trọng, không ai muốn mất thể diện ở những nơi đông người. Khi tranh cãi trước mặt người lạ, chắc chắn không ai muốn mình bị yếu thế nên từ đó càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Bởi vậy, để xây dựng hạnh phúc gia đình, bạn nên giữ thể diện cho nửa kia của mình. Hãy luôn ghi nhớ: “Một điều nhịn chín điều lành”. Thái độ của bạn dành cho anh ấy (cô ấy) sẽ quyết định mức độ tôn trọng của người khác đối với người bạn đời của bạn. Nếu bạn coi thường bạn đời của mình, người khác cũng sẽ coi thường họ. Tục ngữ có câu: “Một bàn tay không thể tạo thành tiếng”. Vì vậy để làm được điều này, khi mâu thuẫn xảy ra cả vợ và chồng đều nên hướng nội xem bản thân sai sót ở đâu để nhận lỗi và khoan dung cho nhau.
2. Không nên cãi nhau trước mặt con cái
Vợ chồng to tiếng cần tránh cãi nhau trước mặt con cái, bởi trẻ con là vô tội, mà cãi nhau lại là việc giữa hai người. Nếu để con cái chứng kiến cảnh cha mẹ bất hòa, mức độ nhẹ sẽ để lại ám ảnh trong tâm hồn non nớt của trẻ; mức độ nặng sẽ làm ảnh hưởng tới việc học tập của con, thậm chí khi lớn lên chúng sẽ có thái độ tiêu cực về hôn nhân.
Mối quan hệ vợ chồng có tốt hay không cũng ảnh hưởng tới cảm giác yên ổn và sự hồn nhiên ngây thơ của con trẻ. Đây là điều mà bất cứ vật chất nào cũng không thay thế được. Nếu ngay cả trong mái ấm gia đình, trẻ cũng không cảm nhận được bầu không khí yêu thương, thì chính là vì cha mẹ đã vô thức làm tổn hại tới thế hệ tương lai.
Vậy mới nói, cha mẹ tốt là những người luôn biết tự lấy mình làm tấm gương mẫu mực cho con trẻ noi theo.
Cha mẹ tốt là những người luôn biết tự lấy mình làm tấm gương mẫu mực cho con trẻ noi theo. Ảnh pinterest.com
3. Không nên cãi nhau khi người ấy đang mắc bệnh
Tranh cãi một vấn đề dù to hay nhỏ cũng nên có một thời gian nhất định. Nếu như đối phương đang đau yếu hoặc đang ở trạng thái buồn chán căng thẳng, hoặc công việc đang trong nghịch cảnh không thuận lợi, thì người vợ hoặc chồng đều nên kìm chế cơn nóng giận của mình. Nếu trong những tình huống đó mà gây lộn cãi nhau chỉ càng làm tăng thêm mâu thuẫn giữa hai vợ chồng.
Bởi vậy, một người vợ tốt hay một người chồng tốt biết vun đắp cho hạnh phúc gia đình, thì ngoài việc yêu thương trân trọng người bạn đời cũng cần tôn trọng những cảm xúc của họ.
4. Không nên lật lại khuyết điểm cũ của đối phương
Không ai là hoàn hảo, bởi vậy các cặp đôi hạnh phúc luôn biết khoan dung cho điểm yếu và sai lầm người kia đã mắc phải. Họ không lấy đó làm thứ để đay nghiến mỗi khi bạn đời của mình mắc lỗi, thay vào đó họ sẽ bước tới để hỗ trợ sửa chữa sai lầm.
Một số cặp vợ chồng hễ cãi nhau là lại bới móc sai sót cũ của người bạn đời. Ví dụ trước đây họ mắc lỗi gì đó hoặc từng có người thứ ba, thì khi tranh cãi họ sẽ cố tình lấy đó làm cái cớ để chì chiết đay nghiến. Từ đó, càng làm tăng mức độ mâu thuẫn giữa hai người và càng đẩy người bạn đời rời xa mình hơn. Đây chính là độc dược phá hỏng hạnh phúc hôn nhân. Việc đã qua thì nên cho qua, đừng vì bất bình một việc nhỏ mà lôi ra những lỗi lầm cũ, khiến mọi việc từ chuyện nhỏ lại càng thêm phức tạp.
Vợ chồng nên học cách bao dung lẫn nhau, đừng lúc nào cũng quan trọng hóa và làm to chuyện. Người xưa thường dạy: “Vợ chồng một ngày nên nghĩa”, cho dù không còn tình cảm thì cũng còn tình nghĩa. Bởi vậy nên biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc và nhượng bộ cho nhau thì gia đình mới có thể hòa thuận hạnh phúc.
Vợ chồng nên yêu thương, quan tâm, chăm sóc và nhượng bộ cho nhau thì gia đình mới có thể hòa thuận hạnh phúc. Ảnh wattpad.com
5. Không nên làm cha mẹ hoặc người nhà vạ lây khi vợ chồng cãi nhau
Vợ chồng khi bất hòa tranh cãi đừng để người nhà hoặc cha mẹ của vợ (chồng) chịu vạ lây. Cho dù xảy ra bất kể chuyện gì thì đều là chuyện giữa hai người, vợ chồng cần tự giải quyết, tuyệt đối không được nhục mạ bạn đời và càng không nên dính dáng tới cha mẹ hai bên. Nguyên nhân bởi nhục mạ gia đình chồng (vợ) là điều bất kính nghiêm trọng nhất và tuyệt đối nên tránh. Cách tôn trọng người bạn đời là dùng hòa ái để đối xử chân thành với nhau. Kính trọng và yêu thương cha mẹ đối phương cũng như cha mẹ mình thì người bạn đời mới càng cảm kích và yêu thương bạn.
Vợ chồng cãi nhau là việc không thể tránh khỏi trong sinh hoạt, bởi vậy đừng quá đặt nặng nó trong tâm và cũng không cần để cha mẹ biết. Chỉ cần thêm một chút thời gian để chia sẻ và thông cảm lẫn nhau, khi cãi nhau hãy suy nghĩ cho đối phương một chút, hãy đặt mình ở vị trí của họ một chút để cảm thông bao dung và khắc chế cơn nóng giận.
6. Vợ chồng cãi nhau không nên đập vỡ đồ đạc
Khi cãi nhau không nên đập vỡ đồ đạc, bởi khi hai vợ chồng bất hòa xô xát, họ vốn dĩ đã lớn tiếng cãi cọ. Nếu cộng thêm tiếng đồ đạc bị đập vỡ sẽ giống như màn kịch sân khấu, không chỉ làm kinh động tới hàng xóm mà còn làm con trẻ sợ hãi. Hơn nữa đồ đạc trong nhà đều là tài sản, chỉ trong một phút nóng giận tự đập rồi lại tự phải đi dọn, điều ấy có đáng hay không? Vợ chồng không nên ganh đua cao thấp hay tìm cách thắng bại, bởi lùi một bước biển rộng trời cao.
Vợ chồng không nên ganh đua cao thấp hay tìm cách thắng bại, bởi lùi một bước biển rộng trời cao. Ảnh asianwiki.com
7. Không nên nói lời làm tổn thương đối phương
Khi xung đột bất hòa, đôi khi vì bức xúc sẽ không tránh khỏi thốt ra những lời khó nghe. Không những vậy, một số cặp vợ chồng lại có thói quen mang vợ (chồng) đi so sánh với người khác, như: “Anh xem chồng người ta thế nọ thế kia.. còn anh thì đúng là đồ vô dụng”, “Cô xem vợ người ta thế nọ thế kia, đức hạnh thế nọ thế kia còn cô thì làm gì cũng không nên hồn…” Những lời nói kiểu như vậy chỉ làm mất đi sự tự tin và làm đối phương càng tổn thương hơn. Vì vậy muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình, những lời nói này cần tuyệt đối tránh xa.
8. Không nên lấy cái chết để uy hiếp
Một số cặp vợ chồng vừa bất hòa xô xát liền mang cái chết ra để uy hiếp đối phương, như: “Tôi không muốn sống nữa”, “Tôi chết cho anh xem”… Đây là cách làm ngu ngốc nhất, vì vậy ngay cả trong lúc tức giận nhất cũng đừng nên thốt ra những lời kiểu này.
9. Không nên động tay chân đánh người
Khi cãi nhau hãy cố gắng khống chế thật tốt đôi tay của mình, cho dù hỏa khí có bốc lên tận đầu cũng cần lập tức khống chế và tìm cách hạ hỏa. Chỉ một cú bạt tai hay một cái tát sẽ làm tiêu tan ân tình bao nhiêu năm và mang lại ám ảnh không thể nguôi ngoai trong đầu đối phương. Động tay động chân cho dù chỉ là chạm đến da thịt nhưng tổn thương là tới tận tâm hồn. Vết thương ngoài da thịt lâu dần có thể lành nhưng những rạn nứt trong tâm thì khó có thể bù đắp lại. Bởi vậy xin bạn hãy luôn nhớ kỹ, động thủ chính là điều không nên nhất trong việc đảm bảo hạnh phúc gia đình.
10. Không nên dễ dàng nói “ly hôn”
Người xưa thường nói: “Nhân duyên là do trời định”, hai người có thể đến được với nhau thành vợ thành chồng là việc không hề dễ dàng và đơn giản. Đừng vì những xung đột dù là nhỏ nhất cũng thốt ra hai chữ ly hôn. Đây là từ ngữ rất mẫn cảm, bởi vậy một khi đề cập tới nó cũng dễ làm rạn nứt tình cảm vợ chồng và tăng thêm mâu thuẫn gia đình.
Là một người vợ người chồng tốt, hãy luôn nhớ rằng: Hôn nhân vợ chồng không đơn giản chỉ là việc của cá nhân hai người mà là của cả chỉnh thể, đừng nên dễ dàng nói buông bỏ là buông.
Nguồn: HAF